Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân trong giai đoạn mới.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
UBND huyện vừa có Công văn về việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Mục tiêu đặt ra là đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng HND các cấp vững mạnh, làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ngày 20-12, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Theo Nghị quyết số 46-NQ/TW, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đất nước. 

Hội nông dân các cấp tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; củng cố, phát triển tổ chức hội; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam vẫn còn một số hạn chế đó là chưa đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; chưa khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân; việc thực hiện vai trò đại diện, nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân chưa kịp thời; hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Một bộ phận nông dân nhận thức, trình độ, năng lực còn hạn chế, đời sống khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong nông dân còn cao.

Nguyên nhân của những hạn chế được chỉ ra như trên chủ yếu là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa đầy đủ, đúng mức; nguồn lực dành cho hoạt động hội và hỗ trợ cho nông dân còn hạn chế. Một số tổ chức hội chưa chủ động, kịp thời trong tham mưu, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; sự phối hợp giữa hội với các cơ quan, tổ chức còn hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ hội năng lực hạn chế, chậm đổi mới tư duy, thiếu tâm huyết, chưa sâu sát cơ sở, chưa đủ uy tín dẫn dắt phong trào nông dân, chưa đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Nghị quyết số 46-NQ/TW đã xác định rõ quan điểm, chỉ đạo của Bộ Chính trị là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền và ban chấp hành hội nông dân các cấp.

Sản phẩm Nấm Ocop HTX Duy bàn được Hội Nông dân huyện Yên Dũng giúp đỡ xây dựng thương hiệu

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của hội nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân.

Củng cố vai trò nòng cốt chính trị của hội trong phong trào nông dân; nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội, phát triển tổ chức, phát triển hội viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Sản phẩm Trà sen Ocop HTX Bảo Ngọc được Hội Nông dân huyện Yên Dũng giúp đỡ xây dựng thương hiệu

Trong đó trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; động viên nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; phát huy vai trò của hội nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các hội quần chúng với hội nông dân

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, sự ra đời của NQ 46 có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực để động viên, khích lệ phong trào nông dân. Qua đó khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Xuân Thanh