UBND huyện Yên Dũng: Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để triển khai một số nội dung xây dựng Hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam có Công hàm số 138/UBQG/2023 nộp dự thảo Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO; Hồ sơ đề cử chính thức sẽ gửi tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO trước ngày 01/02/2024. Sau khi Hồ sơ đề cử chính thức được gửi đi, Trung tâm Di sản thế giới UNESCO sẽ cử các đoàn chuyên gia vào đánh giá, thẩm định thực địa tại một số điểm/cụm di tích đưa vào xây dựng Hồ sơ đề cử (trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn, tiến triển hữu cơ trên địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Tổng thể di tích có 32 bộ phận cấu thành thuộc 18 cụm, là thành phần của 6 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Các vùng đệm của những di tích này là những cánh rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…

Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang)

Thuộc tính nổi bật của quần thể di tích là nơi hiện hữu nhiều công trình tín ngưỡng, tâm linh như: Đền, miếu, am, chùa, lăng mộ, bảo tháp và các địa điểm linh thiêng liên quan khác thờ Phật, các vị thần linh, Anh hùng dân tộc... Nổi bật ở vùng đất này đó là nơi phát tích Thiền phái Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập Phật giáo Trúc Lâm, tạo tiền đề để các vị tổ sư, thiền sư, tăng ni đến đây tu tập, phát tâm tín ngưỡng, biên soạn kinh văn, làm thơ, viết truyện, đắc đạo và nhập Niết bàn.

 

Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận Di sản thế giới là công trình nghiên cứu có giá trị đặc biệt quan trọng. Từ năm 2020, ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã đồng thời triển khai các phương pháp nghiên cứu, chứng minh, tổng hợp, làm rõ giá trị của quần thể di tích. Trong đó đã tổ chức 6 hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm xác định giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của quần thể di tích. Cùng với đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa - lịch sử; hệ thống kiến trúc di tích - cảnh quan; giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học trên phạm vi ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã được triển khai thực hiện.

Trong đó đại diện tiêu biểu là chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) hiện còn lưu giữ 3.050 tấm mộc bản kinh Phật, kinh Trúc Lâm bằng chữ Hán và chữ Nôm, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong 32 điểm/cụm di tích được lựa chọn đưa vào hồ sơ đề cử trình UNESCO.

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết đón đoàn chuyên gia của UNESCO đánh giá, thẩm định thực địa tại chùa Vĩnh Nghiêm; Chủ tịch UBND huyện giao Phòng Văn hóa và Thông tin Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND xã Trí Yên, chùa Vĩnh Nghiêm trong việc tiến hành chỉnh trang chùa, trong đó chú trọng đến việc lắp đặt các biển báo giới thiệu về di tích, phòng cháy, chữa cháy, cảnh báo an toàn, hệ thống camera; bố trí trang thiết bị sơ - cấp cứu, chăm sóc y tế, phương tiện dành cho người khuyết tật… Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang và tham mưu giúp Chủ tịch UBND huyện chuẩn bị đón đoàn chuyên gia của UNESCO đánh giá, thẩm định thực địa tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện cùng với việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, bố trí Lãnh đạo và cán bộ thuyết minh viên thường xuyên trực tại chùa, phối hợp đón đoàn chuyên gia của UNESCO đánh giá, thẩm định thực địa tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Đối với UBND xã Trí Yên và chùa Vĩnh Nghiêm tiến hành chỉnh trang chùa Vĩnh Nghiêm, trong đó chú trọng đến việc lắp đặt các biển báo giới thiệu về di tích, phòng cháy, chữa cháy, cảnh báo an toàn, hệ thống camera; bố trí trang thiết bị sơ - cấp cứu, chăm sóc y tế, phương tiện dành cho người khuyết tật… Phối hợp với tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện chuẩn bị đón đoàn chuyên gia của UNESCO đánh giá, thẩm định thực địa tại chùa Vĩnh Nghiêm./.

BBT