TAM TỔ TRÚC LÂM VÀ CÁC SƯ TỔ TRUYỀN THỪA Ở CHÙA VĨNH NGHIÊM, HUYỆN YÊN DŨNG, TỈNH BẮC GIANG

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

1. Sơ lược về chốn tổ Vĩnh Nghiêm:

Chốn tổ Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa cổ tương truyền được khởi dựng từ thời Lý Thái Tổ (theo Bắc Giang địa chí, Nhật Nham Trịnh Như Tấu, trang 226) nổi tiếng từ thời Trần (thế kỷ thứ 13) thuộc dòng phái Trúc Lâm. Thời Nguyễn chùa thuộc xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang, nay là xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Trong lịch sử, chùa Vĩnh Nghiêm đóng vai trò tiền trạm cho khách thập phương hành hương trước khi vượt sông leo núi tới đất thánh của thiền phái Trúc Lâm bên mạn Chí Linh (Hải Dương) và Đông Triều (Quảng Ninh), vì vậy dân gian lưu truyền câu ca”:

 “Ai qua Yên tử Quỳnh Lâm

 Vĩnh Nghiêm chưa tới Thiên tâm chưa đành

 Đã hơn 700 năm kể từ khi thiền phái Trúc Lâm được sáng lập đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn tồn tại với vai trò là một trung tâm Phật giáo một thiền viện đào tạo, kết hạ cho các tăng, ni nổi tiếng trong cả nước. Hiện chùa còn bảo lưu được nhiều công trình kiến trúc cổ kính, nhiều di vật, cổ vật, bia đá có giá trị văn hóa. Đặc biệt nhà chùa còn tàng lưu hơn 3050 mộc bản quý hiếm, có giá trị nghiên cứu lịch sử - văn hóa Phật giáo nói chung, nghiên cứu về tư tưởng thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam nói riêng. Đây là bộ ván khắc bằng gỗ có số lượng lớn và nhiều đầu mục sách hiện còn lưu giữ được tại Việt Nam. Đặc biệt, đây là bộ ván khắc Kinh do chư tăng thiền phái Trúc Lâm dày công nghiên cứu, biên soạn. Tiêu biểu có các bộ: Hoa Nghiêm sớ sao, Di Đà sớ sao, Yên Tử nhật trình, Giới kinh ni, Sa di kinh, Bản nguyện chân kinh...

 

2. Tam tổ Trúc Lâm với chốn Tổ Vĩnh Nghiêm

- Đệ nhất tổ Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông (1258- 1308):

Hoàng đế, Tổ để nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Tổ là con trưởng vua Trần Thánh Tông, năm 16 tuổi được lập làm Thái tử. Vốn là người sùng kính Phật nên tổ quyết chí tu hành. Khi là Thái tử, tổ một mình trốn vào Yến tử để tu hành nhưng bị vua cha phát hiện nên bất đắc dĩ phải trở lại kinh thành. Năm 21 tuổi, tổ lên ngôi Hoàng đế, tuy ở ngôi vua nhưng rất quan tâm đến tu thiền. Khi đế quốc Nguyên - Mông đưa quân xâm lược Đại Việt, tổ phát huy tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời, đoàn kết nhân dân, trọng dụng nhân tài, hai lần chỉ huy đánh thắng đế quốc Nguyên – Mông, ngăn chặn không cho chúng tiến xuống vùng Đông Nam Á. Với tư tưởng hòa hiếu vốn có của đạo Phật, tổ thực thi chính sách hòa bình thân thiện với các nước láng giềng (Ai Lao, Chămpa). Năm 1301, tổ sang thăm Chămpa, gặp vua nước này để xây dựng quan hệ hòa bình trên nền tảng Phật giáo.

 Năm 1293, tổ nhường ngôi cho Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng hoàng. Năm 1299, tổ vào núi Yên Tử chuyên tâm tu hành. Tổ đã thu thập và truyền dạy tư tưởng cho hàng nghìn đệ tử. Sau khi qua đời, tổ được tôn làm Tổ đệ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vì có công thống nhất Phật giáo Việt Nam.

- Đệ nhị tổ Pháp Loa Ðồng Kiên Cương Thiền sư (1284 1430):

 Tổ đời thứ hai của thiền phái Trúc Lâm trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, người đã tổ chức nhiều đợt in kinh sách Phật tại thiền viện Quỳnh Lâm và Chốn Tổ Vĩnh Nghiêm trong thế kỷ 14.

Tổ xuất gia theo Trần Nhân Tông từ nhỏ. Năm 24 tuổi tổ chính thức được trao y bát và trở thành người lãnh đạo giáo hội Phật giáo sau khi Trần Nhân Tông viên tịch. Tổ được Đức điều ngự Trần Nhân Tông giao trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, biến nơi đây thành trung tâm trụ sở Phật giáo của quốc gia đại Việt (tương tự như văn phòng trung ương của giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay). Tại chùa Vĩnh Nghiêm, tổ xây dựng quy chế chức vị tăng sư và cũng là người tổ chức việc san khắc, in ấn các kinh sách nhà phật, tổ cũng trực tiếp biên soạn nhiều tác phẩm vẫn lưu truyền đến nay.

- Đệ tam tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái Thiền sư (1254- 1334):

Năm  21 tuổi (1274), tổ thi đỗ đại khoa được bổ làm quan ở Hàn lâm viện. Một hôm ngài được hộ giá vua Anh Tông đến huyện Phượng Nhãn nghe tổ Pháp Loa giảng kinh chợt tỉnh ngộ. Sau nhiều lần tổ dâng sớ xin từ quan, khi 52 tuổi mới được xuất gia tu hành nhập thọ giới tại chốn tổ Vĩnh Nghiêm rồi theo làm thị giả đức Điều ngự. Tổ đã được đức Điều ngự tin tưởng giao soạn sách: Chư phẩm kinh, Công văn tập, Thích Khoa giáo, Ngọc tiên tập, Phổ Tuệ ngữ lục… Sau khi đức Điều ngự mất, tổ theo làm đệ tử tổ Pháp Loa mặc dù hơn tổ Đệ nhị 30 tuổi. Do tỏ là người học rộng hiểu nhiều, tinh thông đạo lý nên Phật tử nghe danh mà hội tụ về tham vấn rất đông khi tổ trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử.(Đến năm Đại Khánh thứ 4 (1371), tổ được tổ Pháp Loa truyền y đức của Điều Ngự và tâm kệ).

 

Năm 1330, khi tổ Pháp Loa viên tịnh, tổ Huyền Quang lúc ấy đã 77 tuổi nhận kế chuyển làm tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tuy nhận trọng trách làm lãnh đạo giáo hội nhưng vì già yếu, hơn nữa hoàng đế đương vị lại không mặn mà với Phật đạo nên tổ ủy thác mọi việc cho Quốc sư An Tâm trở về trụ trì chùa Tư Phúc ở Côn Sơn. Bốn năm sau (1334) tổ viên tịch tại đây, hưởng dương 81 tuổi.

Tổ được vua Trần Minh Tông ban phong thụy hiệu: Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại.

Hiện nay nhiều ngôi chùa ở miền Đông thổ tạc tượng thờ Tam tổ. Ở tỉnh Bắc Giang có xã Đức La (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) và xã Đông Loan (nay thuộc xã Lạng Sơn) huyện Yên Dũng tôn thờ Tam tổ (điều ngự giác Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa Ðồng Kiên Cương, Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái) làm Thành hoàng và có sắc phong của triều vua Khải Định nhà Nguyễn ban tặng, chuẩn cho các địa phương phụng thờ mãi mãi.

3. Các sư tổ kế truyền qua các thời tiền sử được thờ ở chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng:

Như vậy, Vĩnh Nghiêm được tôn vinh là chốn tổ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử vì gắn với những hoạt động tích cực của Tam tổ Trúc Lâm thời kỳ hưng thịnh nhất. Tuy nhiên, sau tam tổ trụ trì, thời gian sau đó Chốn tổ Vĩnh Nghiêm có các vị cao tăng khác kế truyền được truyền đăng trụ trì, những vị cao tăng đó là ai hiện nay chưa xác định được danh tính, Phật hiệu đầy đủ để xây dựng được cây gia phả hoàn thiện về các sư tổ từng trụ trì ở chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Với nguồn tư liệu sưu tầm được hiện thời, chúng tôi xin được giới thiệu về các tổ truyền thừa tại chốn tổ Vĩnh Nghiêm gồm các tổ sau:

- Thiền sư Linh Không: Tên húy là Vũ Văn Thông, hiệu là Huệ Hải. Tổ tu hành và trụ trì chốn tổ Vĩnh nghiêm những năm cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Tổ là người am hiểu kinh sách nhà Phật, có công lao đèn nhang thờ Phật lâu năm nên được thăng chức Ty tăng thống tăng lục ở chốn tổ. Tổ là người hưng công trùng tu tòa Thượng điện, Thiêu hương và các Hành lang cùng Tiền đường, Hậu đường chốn tổ Vĩnh Nghiêm làm cho quy mô chốn tùng lâm hoàn hảo, rộng rãi. Lại mời thợ khéo tạc tượng Thái thượng hoàng Thiên ngọc hoàng thượng đế và tượng Đệ nhất tổ Điều ngự hoàng đế.

- Thiền sư Tính Thành: Không rõ tên húy, năm sinh, năm mất và sự nghiệp tu hành. Tổ trụ trì chốn tổ Vĩnh Nghiêm những năm đầu thế kỷ 18. Năm Mậu tuất  1718, tổ hưng công các môn đồ và Phật tử xây dựng gác chuông và đúc một quả chuông đồng.

- Tì Khiêu ni Vũ Thị Lương: Không rõ tên húy, năm sinh năm mất và sự nghiệp tu hành. Có lẽ tổ là người kế truyền tổ Tính Thành vào những năm giữa thế kỉ 18. Văn bia chốn tổ Vĩnh Nghiêm khắc vi vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), sau cơn tao loạn, tổ đã trùng tu gác chuông, làm mới hai bên hành lang phía sau và đúc một quả chuông lớn.

Tì Khiêu Thích Hải Hài: Tổ trụ trì chốn tổ từ năm Minh Mệnh thứ 10 (1830). Tổ có công tập hợp ba thôn, mộ các thiện tín đúc được một quả chuông lớn, lại trùng tu gác chuông, tân tạo trai đường 11 gian.

- Nhà sư Tịnh Phương (pháp hiệu Tâm Viên): Tổ người huyện La Phù, phủ Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sinh năm Kỷ mão (1819), trụ trì chốn tổ từ năm Tự Đức thứ 2 (1849). Tổ có công tu bổ, mở rộng đạo pháp dạy môn đồ. Lại tân tạo ba tòa: Côn lư xa na- Di đà tiếp dẫn- Phật thế tôn thuyết pháp; ba tòa: Văn Phù- Phổ Hiền- Địa Tạng bồ tát; hai tòa: A nan- Ca diếp; Thích văn, một tòa Phạn Vương thiên; hai tòa Khảo giáo- Chân Tể và các pho tượng gỗ. Sau đó, tổ chuẩn bị mua gỗ lim, gạch ngói để trùng tu chốn tổ, nhưng vận thế không xuôi nên tạm dừng lại. Sư quy tịch năm Thành Thái nguyên niên (1889), hưởng dương 71 tuổi.

- Thích Thanh Tuyên:  Tổ trụ trì chốn tổ được vài năm, do ít tuổi không đủ kinh nghiệm gánh vác trọng trách nên có lời với dân và từ biệt chốn tổ đi tu hành nơi khác.

- Thích Thanh Quýnh: Tổ sinh năm Canh Tuất, người làng Cự Lâm, xã Thư Trì, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Tổ kế truyền trụ trì chốn tổ khi sư Thanh Tuyên từ biệt đi nơi khác. Tổ có công sắm đổi 8 cây gỗ lim cứng, 40 tảng đá kê cột, trang hoàng thập điện, đắp tô tạo tượng, thay sà ngang, dui mè Trai đường… Sau khi tổ quy tịch (1907), nhân dân đã thỉnh tổ Thanh Hanh về trụ trì.

- Thiền gia pháp chủ Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1841- 1936): Tổ sinh năm Tân Sửu (1841) tại làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (nay thuộc Hà Nội), dòng dõi họ Bùi vốn nhà thi lễ. Năm lên 7 tuổi đã được theo đòi Nho học. Vốn tư chất thông minh, lại được cha rèn, thày luyện nên sức học càng tiến bộ. Năm 10 tuổi đã xin cha mẹ cho theo Phật Cốt. Cha mẹ đưa tới chùa Vĩnh Nghiêm, làng Đức La, phủ Lạng Giang xin cho làm lễ xuất gia dưới sự chỉ dẫn của hòa thượng Tâm Viên. Được thày săn sóc dạy bảo, trò chăm chỉ học hành, chẳng bao lâu, năm 20 tuổi được thụ giới nhà phật và được ở lại nơi tổ đình tu học. Năm 30 tuổi được thày cử vào tỉnh Ninh Bình dạy học cho các tăng ni ở chùa Phượng Ban, Hoàng Kim, Phúc Chỉnh… Đến trụ trì chùa nào, tổ chũng chỉ thiết tha lấy việc hoằng dương Phật pháp, giáo hóa tăng ni làm phận sự. Dòng đã 30 năm ở ngôi sư  biểu, đem đạo dạy đời, nên học trò nhiều người thành đạt.

Năm Canh tý (1907), sư huynh là hòa thượng Thanh Quýnh viên tịch, tổ được sơn môn Vĩnh Nghiêm mời vào ngôi kế đăng chùa Vĩnh Nghiêm. Tổ về kế thừa chùa Vĩnh Nghiêm trong điều kiện đã thay đổi nhưng chí hướng nối nghiệp tổ tiên khai hóa hậu lai thì không thay đổi. Tổ chuyên tâm lui tới trường Bác Cổ tìm tòi ba tạng kinh điển Đại Thừa. Sai các môn đồ sao lục về khắc bản lưu thông. Tự tổ đã gây nên phong trào giữa các sơn môn hăng hái vào việc sao kinh, khắc ván, khiến cho kho tàng kinh phật ở chùa thêm những bộ kinh điển quý báu. Các bộ Kinh, luật, ấy được khắc ván in, đều mang lời tựa và bạt của tổ.

Năm 1929 hòa thượng đã cử nhiều thiền sư, thiện chiếu ra Bắc gặp các môn sư để bàn thành lập Việt Nam Phật giáo tổng hội. Nhưng vì nhiều lý do công việc không thành. Ngày 5 tháng 12 năm 1934, Bắc Kỳ Phật giáo hội mới chính thức được thành lập.

Tháng 11 năm Ất Hợi (1935) tổ đã 95 tuổi, còn hăng hái đứng ra chủ trương chấn hưng phật giáo, hiệp lực với thập phương tăng ni thiện tín thành lập Hội Việt Nam phật giáo với hơn mười nghìn, phật tử trong cả nước.Hội phật giáo Bắc Kỳ có hơn hai nghìn hội viên tăng ni. Các hội viên bầu ra ban trị sự và Hòa Thượng Thích Thanh Hanh được vinh phong ngôi Thiền gia pháp chủ. Tổ đã kêu gọi tăng ni theo nguyên tắc lục hòa của phật dạy mà bỏ hết dị biệt  của tông nọ phái kia để dốc lòng chấn hưng Phật giáo. Công đức của ngài vô cùng to lớn.

Thiền sư Thích Thanh Hanh cũng đã góp phần tu bổ chùa Vĩnh Nghiêm, chốn tổ dòng thiền Trúc Lâm và thường hằng sinh độ pháp cho nhiều tăng ni ở trụ sở này. Cùng với việc tu bổ chùa, ngài đã bỏ ra nhiều tâm sức biên soạn lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm và cho khắc nội dung vào bia dựng ở trong tòa thánh tổ, tức nhà tổ Đệ nhất chùa Vĩnh Nghiêm. Ngày 8 tháng chạp năm Bính Tý (1936) tổ đã tịch, thọ 96 tuổi. Thi hài được an nhập vào khu tháp gạch bên trái tổ Vĩnh Nghiêm.Tổ là người tổ chức san/khắc sách Yên Tử nhật trình (gồm các tác phẩm: Thiền tông bản hạnh, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Thiền tịch phú, Cư trần lạc đạo phú, Thiếu thất phú, giáo tử phú) vào những năm đầu thế kỷ 20 (1932-1936).

-Hòa thượng Thích Tâm Duyệt:

Tổ tên húy là Đào Ngọc Duyệt, sinh năm 1885 người làng Đức Hậu, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Mồ côi cha từ lúc chưa chào đời, năm 12 tuổi xuất gia tu hành làm đệ tử sư cụ Thanh Hán  ở chùa Văn Than, tổng Vạn Tư, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 14 tuổi theo học Hòa Thượng Thanh Trúc ở chùa Phù Lãng được thụ giới sadi, lấy pháp danh là Tâm Duyệt. Năm 1954, thể theo nguyện vọng của nhân dân, tổ về trụ trì chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Năm 1958, tổ được bầu vào Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1961, tổ lại được thỉnh mời vào Ban chứng minh đạo sư của Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam.

Tổ có nhiều công lao với cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng các công trình phúc lợi của xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Tổ quy tịch lúc 17 giờ 15  phút ngày 14 tháng 5 năm 1991(tức ngày mồng 10 tháng 4 năm Tân Mùi) tại chốn tổ Vĩnh Nghiêm, hưởng dương 107 tuổi. Nhục thân được nhập vào tháp gạch ở vườn tháp chốn tổ.

Ngoài các tổ được trình bày ở phần trên, ở tòa tổ Đệ nhị chốn tổ còn có tượng thờ/ bài vị thờ tổ là Hòa thượng Trần Như và tổ Thích Thanh Kim. Tuy nhiên chúng tôi chưa rõ các tổ trụ trì ở thời kỳ nào. Dưới đây căn cứ theo các tác giả sách chốn tổ Vĩnh Nghiêm xin giới thiệu về hai tổ.

- Hòa thượng Trần Như: Tổ họ Trần, pháp hiệu Mahatỳkhiêu bồ tát giới Thanh Như, thế hệ thứ hai ở chốn tổ Vĩnh Nghiêm, có tượng ở tòa Đệ nhị còn gọi là tượng cụ Bạch Mi. Hiện chưa rõ quê hương bản quán, thời gian tại hạ. Hàng năm vào ngày 14 tháng hai âm lịch bản tự làm giỗ tổ và mở hội lớn. Ngoài chốn tổ Vĩnh Nghiêm tổ còn có công mở mang xây dựng các chùa khác trong khu vực như: chùa Văn Giảng, chùa Bình Đăng (xã Tân Tiến thành phố Bắc Giang), chùa Đống Nghiêm (xã Dĩnh Kế, thành phố Băc Giang)…Tổ có nhiều đệ tử giỏi được trưởng thành, đào tạo từ chốn tổ Vĩnh Nghiêm rồi đi trụ trì các cảnh chùa khác như: Thiền sư Lê Thông Mạc về xây chúa Đa Mai (thành phố Bắc Giang), một sư đi trụ trì chùa Bo (huyện Lạng Giang), một sư đi xây chùa Ngọc Sơn (huyện Yên Dũng), một sư về trụ trì chùa Sùng Nham (tức chùa Kem, huyện Yên Dũng), một sư về xây dựng chùa Quán Sứ (Hà Nội). Chính vì vậy mà tổ có vị trí rất trang trọng trong nhà tổ đệ nhị của chốn tổ Vĩnh Nghiêm.

-Kim Gia Lăng: Còn gọi là sư ông Thích Thanh Kim, không rõ hành trạng của tổ nhưng có tượng thờ ở vị trí thứ ba nhà Tổ Đệ nhị. Có thày truyền lại rằng tổ Thích Thanh Kim là tổ kế truyền của tổ Thích Thanh Hanh là người nuôi dưỡng tổ Thích Tâm Duyệt.

Hiện nay, thày tôi là thượng tọa Thích Thiện Văn đang kế truyền tổ Thích Tâm Duyệt trụ trì chốn tổ. Tôi được thượng tạo giao trực tiếp sớm tối cùng nhân dân bản tự bảo quản trông nom hương đăng phụng phật cúng giàng. Tôi nguyện hết mình phát tâm bồ đề  cho việc phụng phật, đặng mong sao bảo tồn được  tốt hơn vốn di sản quí báu của dân tộc mà các sư tổ truyền lại.

 

 

                                                                            Đại Đức Thích Thanh Vịnh